• 0
18/10/2020 - đăng bởi ngoclopoto

Xe môtô thể thao cỡ nhỏ - lựa chọn đáng cân nhắc cho giới trẻ

Xe côn tay thể thao cỡ nhỏ hút khách hàng trẻ, an toàn hơn khi đi xa nhưng xe thể thao dễ làm mỏi lưng khi cầm lái lâu.

Sau một thời gian dài những chiếc xe côn tay như Honda GL125, GL150, Win100, Nova hay Suzuki RGV150, Yamaha Z125... trôi vào quên lãng do hãng xe bỏ mẫu, thiếu linh kiện thay thế để duy trì, nhiều người chuyển sang các dòng xe số hay xe tay ga. Nếu không tính đến những chiếc underbone "làm mưa gió" thị trường xe côn tay những năm gần đây như Yamaha Exicter hay Honda Winner, phân khúc côn tay thể thao cũng tăng trưởng nhanh. Theo nguồn tin của VnExpress, quý I năm nay, gần 3.000 xe côn tay dòng thể thao nakedbike và sportbike phân khúc dưới 150 phân khối tới tay khách hàng. 

Ưu điểm: kiểu dáng "hầm hố", an toàn khi đi xa

Hai mẫu xe thể thao hướng đến khách hàng trẻ. 

Theo anh Trung Dũng (TP HCM), một người sử dụng qua nhiều dòng xe côn tay cỡ nhỏ, những chiếc Yamaha R15, Suzuki GSX-R150 mang kiểu dáng thể thao hơn, thu hút sự quan tâm nhiều hơn khi di chuyển trên phố. Ngoài ra, cảm giác thực sự làm chủ chiếc xe thú vị hơn nhiều so với khi chạy xe số.

Cũng theo anh này, xe côn tay thể thao sẽ giúp người cầm lái di chuyển an toàn hơn, bởi với những cung đường đèo dốc đi Nha Trang, Đà Lạt... những đoạn đường xấu, xe côn tay thể hiện rõ sự mạnh mẽ, giúp người điều khiển không gặp khó khăn để vượt qua. Xe côn tay thể thao cũng cho cảm giác an toàn hơn khi xuống đèo vì có thể dùng động cơ kết hợp cùng với phanh xe .

Điểm cộng của xe côn tay thể thao còn ở khả năng tăng tốc với cấp số thấp ở những khoảng đường trống. Kiểu dáng thiết kế khí động học giúp chỉ số cản gió thấp. Các hãng xe còn căn chỉnh ECU để có thể tối ưu sức mạnh. Ngoài ra, xe côn tay thể thao còn dễ dàng "độ" như xe trên đường đua với bộ tem/decal mới, ống xả hay các chi tiết tay phanh, gác chân.

Nhược điểm: khó đi khi đường đông, đi xa dễ mỏi

Môtô thể thao cỡ nhỏ 
 
 

Đối với những người bắt đầu chơi xe môtô cỡ nhỏ, tư thế ngồi của dòng xe nakedbike và sportbike thường đẩy người về phía trước, dồn lực lên hai cánh tay. Lần đầu cầm lái, dù đi trong phố hay chạy đường dài, cảm giác mỏi tay khá rõ vào cuối ngày sẽ là ấn tượng khi bước xuống xe. 

Xe côn tay bắt buộc người lái phải nhuần nhuyễn thao tác phối hợp giữa tay côn, tay ga và chân chuyển số. Đa phần với thói quen chuyển từ xe ga hay xe số sang môtô thể thao, người cầm lái cần một thời gian làm quen, đôi khi vẫn bị chết máy khi dừng đèn đỏ, mỏi tay giữ côn trong phố đông, trở thành "gánh nặng" khi kẹt xe. 

Xe côn tay thể thao trở nên hấp dẫn với phái nam, ít cô gái chọn nó là phương tiện di chuyển hàng ngày. Vì vậy, phân khúc xe này thường tập trung vào đối tượng khách hàng nam trẻ trung, bắt đầu chơi xe thể thao và ưu tốc độ. 

Đức Quang - Thành Nhạn


Theo VNExpress